• Số 26 - Trần Quốc Toản - Phường Hàng Bài - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội
  • 0833339922

Bệnh Da Liễu Thường Gặp

Bệnh da liễu là tình trạng da bị kích ứng hoặc viêm. Da chính là cơ quan có diện tích lớn nhất trên cơ thể, có chức năng bao phủ và bảo vệ.

bệnh da liễu

Bệnh da liễu thường gặp

1.VIÊM DA CƠ ĐỊA

– Viêm da cơ địa (AD, thường được gọi là eczema) là một bệnh da liễu khiến da bị đỏ và ngứa. Bệnh xảy ra ở hầu hết các đối tượng, kể cả người lớn và trẻ nhỏ. Khi ngứa bệnh nhân càng gãi thì càng làm bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí các vết thương có nguy cơ bị nhiễm trùng. Viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần, tiến triển dai dẳng, có đợt rầm rộ, cấp tính, có giai đoạn lắng xuống, âm thầm khiến người bệnh khó chịu.

Viêm da cơ địa

Triệu chứng: 

  • Ngứa ngáy
  • Phù bề mặt da: Những vùng da bị viêm sẽ dày lên và thường sản sinh các chất lỏng gây hiện tượng phù nề.
  • Nổi ban đỏ và mụn nước trên da: Những vùng da dễ bị ảnh hưởng nhất chính là mặt sau đầu gối, mặt trước khuỷu tay, vùng cổ, ngực, da mặt…
  • Đóng vảy tiết: Người bệnh viêm da cơ địa gãi nhiều khiến vùng da bị tổn thương nứt rách tạo thành các vết vảy tiết có thể gây đau đớn, khó chịu.

Điều trị viêm da cơ địa:

  • Chăm sóc hỗ trợ (ví dụ như chất làm ẩm và băng ẩm, thuốc kháng histamine giúp giảm ngứa)
  • Tránh các yếu tố khởi phát
  • Corticosteroid tại chỗ
  • Thuốc ức chế miễn dịch tại chỗ
  • Trong trường hợp bệnh nặng, dùng thuốc ức chế miễn dịch toàn thân
  • Đôi khi điều trị bằng tia cực tím (UV)
  • Điều trị bội nhiễm

2. VIÊM DA TIẾP XÚC

– Viêm da tiếp xúc là bệnh da liễu viêm da cấp tính do chất gây kích ứng hoặc dị ứng ứng gây ra.Viêm da tiếp xúc được chia thành 2 loại là viêm da tiếp xúc kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng.
– Viêm da tiếp xúc kích ứng xảy ra khi da bị tổn thương trong quá trình tiếp xúc với các yếu tố ngoài môi trường như thời tiết lạnh,tiếp xúc trực tiếp với hoá chất như axit hay kiềm, các chất tẩy rửa khác.
– Viêm da tiếp xúc dị ứng là phản ứng của cơ thể khi xuất hiện dị nguyên ở trên da.

Viêm da tiếp xúc

Triệu chứng của viêm da kích ứng:

  • Da bị tổn thương ở ngay vị trí tiếp xúc. Xuất hiện những mảng màu đỏ, có giới hạn vùng rõ. Có trường hợp xuất hiện mụn nước hay bọng nước trên bề mặt, sưng nề và có thể gây ngứa.
  • Một số trường hợp kích ứng nhẹ do tiếp xúc với nước và xà phòng, da có thể bị khô, ngứa, nứt nẻ tiến triển trong nhiều tuần. Sau đó vết nứt có thể tróc vảy.
  • Nếu kích ứng mạnh do tiếp xúc với các chất tẩy rửa, hóa chất có tính kiềm, axit mạnh có thể làm nổi bóng nước trên da, phù nề và đau.

Triệu chứng của viêm da dị ứng:

  •  Viêm da tiếp xúc dị ứng cấp tính: Xuất hiện những mảng đỏ, ngứa, có ranh giới rõ, phù nề, sẩn tại vị trí tiếp xúc và chúng dần lan rộng ra vùng da khác, xuất hiện mụn nước thành từng mảng là trường hợp phản ứng mạnh, khi bọng nước vỡ để lại vết trợt tiết dịch và đóng vảy tiết. Cơ năng có ngứa, rát.
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng bán cấp: Xuất hiện mảng da bị rát, màu đỏ nhẹ, kích thước nhỏ, vảy da khô bị bóc ra, mảng da có đốm màu đỏ nhỏ.
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng mạn tính: Nếp da sâu thành những đường kẻ , bong vảy da cùng với đó là xuất hiện các sẩn nhỏ, hình tròn, hoặc những vết trầy xước, dát đỏ.

–  Điều trị viêm da tiếp xúc:

  • Tránh các dị nguyên gây bệnh.
  • Chăm sóc hỗ trợ (ví dụ, chườm lạnh, băng gạc, thuốc chống histamines).
  • Corticosteroid (thường gặp nhất là dạng tại chỗ nhưng đôi khi cả dạng uống).
  • Phòng tránh viêm da tiếp xúc bằng cách tránh yếu tố kích hoạt; bệnh nhân với viêm da tiếp xúc ánh sáng nhạy cảm phải tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Điều trị tại chỗ bao gồm chườm lạnh (nước muối hoặc dung dịch Burow) và corticosteroid
  • Trường hợp bệnh có bọng nước, mụn nước, bệnh lan tỏa điều trị bằng Corticosteroid uống
  • Thuốc kháng histamine toàn thân giúp giảm ngứa
  • Băng ướt tới khô có thể làm dịu các bọng nước rỉ dịch, làm khô da và thúc đẩy quá trình lành bệnh.

3. CÁC LOẠI U LÀNH TÍNH TRÊN DA

U nang bã:

U nang bã

  •  Là những u mềm hoặc cứng chắc, hình tròn hoặc oval nằm ở dưới da. Thay đổi về kích thước, xuất hiện ở đầu, cổ, mặt, da bìu và lưng, trong chứa chất bã.
  • Điều trị: Gây tê, chích rạch tháo bỏ chất bã.

U nang dạng da:

  • U nang dạng da là u bẩm sinh thường xuất hiện ở vùng mắt, ở mũi và ở cổ. U màu nâu sáng, lâm sàng nhiều khi giống u xơ (fibroma). Trong u chứa lông tơ, nang lông thoái hoá và tuyến bã.
  • Điều trị: Phẫu thuật cắt bỏ u.

U nang tuyến bã người già:

  • Loại u này thường xuất hiện ở người già. Vị trí thường ở vùng trán, xuất hiện các sẩn nhỏ, phẳng rải rác không đều trên vùng mặt; có thể kèm trạng thái da dầu.
  •  Điều trị tốt nhất là đốt điện.

Nang kê:

  • Là các sẩn rất nhỏ, trắng lóng lánh như hạt trai xuất hiện trên của mặt phần nhiều quanh mắt. Nó được nghĩ là do các nang chứa chất bã và tế bào sừng.
  • Điều trị: Chích bằng kim hoặc dao mổ sắc; các nang quá nhỏ có thể nạo bỏ.

Mắt cá và chai chân:

bệnh da liễu

Mắt cá chân

  •  Mắt cá là nút sừng hình nón, chủ yếu xuất hiện ở ngón chân có thể ở vùng lòng bàn chân, trung tâm màu trắng, vàng, có nút sừng ở trung tâm, đi lại tỳ ép vào thì đau chân.
  • Chai chân là dày sừng khu trú thường ở bàn chân do áp lực liên tục (đi lại, lao động) nó thường không đau, biểu hiện là dày sừng màu trắng ngà vàng, cứng chắc. Cần phân biệt mắt cá, chai chân với mụn cóc ở bàn tay, bàn chân.
  • Điều trị: Mắt cá cắt bỏ hoặc bôi bằng mỡ salicylic 40% 2 – 7 ngày. Chai chân: Bôi mỡ salicylic 20 – 40%, cắt gọt lạng bớt chỗ chai chân.

U xơ thần kinh:

  • Trên da có các u mềm, kích thước khác nhau, không đối xứng, tròn, có khuynh hướng lủng lẳng treo trên da. Nắm vào u có cảm giác u nhẽo, rỗng ở giữa, là bệnh do di truyền trội. Có các đám mảng màu cà phê sữa, thâm đen màu nâu. Có thể trên người có thiểu năng trí tuệ.
  •  Điều trị: Cắt bỏ một số u do yêu cầu thẩm mỹ.

Đuôi da:

  • Là một u nhú da (papiloma), u xơ mềm (soft fibroma), là u nhú có cuống (polyp), mềm, hình tròn hay oval, màu nâu hay như màu da. Vị trí thường gặp là vùng cổ, da quanh mắt, vùng nếp kẽ như nách, nếp dưới vú, bẹn cần chẩn đoán phân biệt với Nevi sắc tố, u xơ thần kinh, u mềm lây. Nó thường thắt lại thành cuống ở chỗ đáy nền da. Kích thước thay đổi từ dưới 1 – 10mm.
  •  Điều trị: Cắt bỏ, áp lạnh.

4. HẠT CƠM PHẲNG

Hạt cơm phẳng là gì?

  • Hạt cơm phẳng xuất hiện do HPV tuýp 3, 10, 28 và 49 gây nên. Loại này có biểu hiện là xuất hiện những sẩn dẹt, phẳng, chỉ hơi gờ nhẹ trên mặt da, không sần sùi nhiều như hạt cơm thông thường, kích thước mụn nhỏ, chỉ từ 1mm đến 5mm. Mụn có dạng hình tròn hoặc đa giác, màu như màu da hoặc hơi ngả vàng xám, ranh giới rõ. Vị trí hạt cơm phẳng thường gặp là ở mặt, mu tay, cẳng tay, cẳng chân và phần trên của ngực.
  • Bệnh hạt cơm rất dễ lây lan. Bệnh da liễu này có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với da qua những tổn thương nhỏ như bị trầy xước hoặc cào, gãi. Hoặc lây nhiễm virus có thể gián tiếp qua các vật dụng bị nhiễm như các dụng cụ cầm tay, đi chung giày dép, dùng chung đồ sinh hoạt, chung hồ bơi hay nhà tắm công cộng.

bệnh da liễu

Hạt cơm phẳng

Điều trị hạt cơm phẳng:

  • Dùng nitrogen lỏng để gây mất sắc tố, phương pháp này hữu hiệu đối với những loại mụn hạt cơm khô mọc tại trên mặt, mu bàn chân hay dương vật.
  •  Đối với các hạt cơm ở lòng bàn chân có thể điều trị bằng cách cắt mụn cơm, sau đó bôi thuốc acid salicylic 40% rồi băng lại. Băng trong khoảng 5 ngày rồi bỏ đi, liên tục thực hiện như thế trong hàng tuần hoặc cả tháng để điều trị dứt điểm mụn cơm.
  • Liệu pháp laser CO2 là một trong những phương pháp điều trị mụn hạt cơm được nhiều người lựa chọn để loại bỏ mụn hạt cơm do phương pháp này hiệu quả cao, trị dứt điểm mụn hạt cơm, vị trí mọc mụn cơm ở dưới móng, mụn cơm mọc ở gan bàn chân.

>> Xem thêm, Chương trình ưu đãi căng chỉ thực hiện bởi Dr.Tháp Long

Mọi chi tiết xin liên hệ : Danh Thiếp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *